TÌNH HÌNH XUẤT NHẬP KHẨU CỦA VIỆT NAM TRONG THÁNG 6

Việt Nam sẽ tiếp tục nhập khẩu xăng dầu

Một báo cáo của Công ty Lọc Hóa dầu Bình Sơn ngày 26/6 cho biết, tổng nhu cầu tiêu thụ xăng dầu trong cả nước từ năm 2018 đến năm 2022 trung bình đạt khoảng 6,5 triệu tấn xăng và 8,5 triệu tấn dầu DO. Trong khi đó, với công suất thiết kế của các nhà máy lọc dầu Dung Quất và Nghi Sơn hiện tại thì từ năm 2018 tổng nguồn cung xăng cả nước khoảng gần 6 triệu tấn/năm và tổng nguồn cung dầu khoảng gần 7 triệu tấn/năm (tương ứng khoảng 92% và 82% nhu cầu nội địa). Vì thế, công ty cho rằng, nguồn xăng dầu thiếu hụt này sẽ được nhập khẩu về Việt Nam từ các nước trong khu vực như Singapore, Malaysia, Thái Lan, Hàn Quốc và Trung Quốc. Theo đó, Phó Thủ tướng giao Bộ Tài chính tiếp tục tập trung chỉ đạo, đôn đốc thực hiện các biện pháp tăng cường quản lý hoạt động kinh doanh, xuất nhập khẩu xăng dầu theo thẩm quyền và quy định của pháp luật.
 

Làm rõ khái niệm kiểm tra chuyên ngành

Nghị định 08/2015/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết và biện pháp thi hành Luật Hải quan về thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát, kiểm soát hải quan là Nghị định “xương sống” của Luật Hải quan, chính vì vậy, việc xây dựng dự thảo Nghị định sửa đổi cần được rà soát kỹ lưỡng đảm bảo tính minh bạch, khả thi, hiệu quả.

Kiểm tra chuyên ngành là một khái niệm được bổ sung tại dự thảo Nghị định sửa đổi lần này. Theo ban soạn thảo, trên thực tế nhiều văn bản quy phạm pháp luật hải quan đều sử dụng các cụm từ này, nhưng chưa có giải thích cụ thể như: Điều 4 Luật Hải quan; Điều 9, 19 Nghị định 08/2015/NĐ-CP. Mặt khác, theo dự kiến Cục Kiểm định hải quan cũng là một cơ quan có chức năng thực hiện việc kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa XK, NK (theo chỉ định của bộ, ngành hoặc theo Danh mục được phê duyệt), do vậy để có cơ sở cho việc thực hiện, tại dự thảo Nghị định bổ sung khái niệm: Cơ quan kiểm tra chuyên ngành và kiểm tra chuyên ngành.
 

Thu thuế nhập khẩu 10,000 tỉ đồng trong tháng 6

Trong tháng 6-2017 (lấy số liệu từ 16-5 đến 15-6), Cục Hải quan TPHCM đã thu ngân sách được 10.000 tỉ đồng, con số kỷ lục trong nhiều tháng qua.

Qua 6 tháng, tổng số thu thuế xuất nhập khẩu đã đạt 53.200 tỉ đồng, tương đương 48,8% so với chỉ tiêu thu ngân sách 109.000 tỉ đồng mà Cục Hải quan TPHCM được giao. Con số này cũng tăng 9,92% so với cùng kỳ năm ngoái. Báo cáo của Cục Hải quan TPHCM gửi Tổng cục Hải quan lý giải, số thu 6 tháng đầu năm đạt cao hơn cùng kỳ là nhờ kim ngạch xuất nhập khẩu tăng khá. Cụ thể, kim ngạch xuất khẩu 6 tháng đạt hơn 19,96 tỉ đô la Mỹ (tăng 16,83% so với cùng kỳ 2016). Tương tự, chiều nhập khẩu cũng tăng 19,32% so với cùng kỳ với kim ngạch gần 23,1 tỉ đô la Mỹ. Trong số này, có nhiều mặt hàng kim ngạch nhập khẩu đã tăng mạnh như sắt thép, ô tô nguyên chiếc dưới 9 chỗ ngồi; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện…
 

Bộ Công Thương tích cực phối hợp tháo gỡ rào cản, hỗ trợ thúc đẩy mở cửa thị trường Úc cho các sản phẩm nông thủy sản của Việt Nam

Úc là một trong những thị trường xuất khẩu nông thủy sản lớn của Việt Nam với tốc độ tăng trưởng xuất khẩu đạt 8,3%/năm và kim ngạch bình quân khoảng 450 triệu USD/năm trong giai đoạn 2011 – 2016. Xác định được tiềm năng xuất khẩu nông thủy sản sang thị trường Úc, trong suốt thời gian qua, Bộ Công Thương đã phối hợp với các Bộ, ngành triển khai nhiều công tác nhằm thúc đẩy xuất khẩu và mở rộng, phát triển thị trường này.

Mặc dù quá trình đàm phán đối với mỗi một mặt hàng gặp nhiều khó khăn và mất thời gian (thường từ 5 – 10 năm, vải mất 12 năm, xoài mất 7 năm), nhưng đến nay ta đã hoàn tất việc thâm nhập thị trường Úc cho vải thiều (năm 2015) và xoài (năm 2016), tạo thêm “sân chơi” cho các loại trái cây tươi của Việt Nam.

Đối với mặt hàng tôm, vừa qua, ngay sau khi Úc thông báo tạm ngừng nhập khẩu một số sản phẩm tôm và thịt tôm chưa nấu chín của Việt Nam (kể từ ngày 09 tháng 01 năm 2017), Bộ Công Thương đã kịp thời phối hợp với các Hiệp hội ngành hàng thông báo thông tin tới cộng đồng doanh nghiệp để tránh gây ảnh hưởng đến tiến độ xuất khẩu của doanh nghiệp.
 

Cơ cấu xuất khẩu thủy sản đổi chiều

Tôm và cá tra được xem là mặt hàng xuất khẩu (XK) chủ lực của ngành hàng thủy sản. Tuy nhiên, thời gian gần đây, nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan đến từ thị trường nhập khẩu cũng như khả năng cung ứng nguồn nguyên liệu trong chế biến của các doanh nghiệp trong nước bị hạn chế đã khiến kim ngạch XK các mặt hàng này bị sụt giảm. Để đảm bảo mục tiêu tăng trưởng XK thủy sản, các doanh nghiệp đã điều chỉnh cơ cấu mặt hàng, chuyển sang các “nhánh” khác như mực, bạch tuộc, cá ngừ.
 

Chăn nuôi gặp khó, nhập khẩu thức ăn chăn nuôi vẫn tăng

Mặc dù tình hình chăn nuôi trên cả nước, nhất là chăn nuôi lợn và gia cầm gặp nhiều khó khăn do giá xuống thấp kỉ lục, trong lúc vẫn chưa tìm được đầu ra cho sản phẩm chăn nuôi theo hướng xuất khẩu bền vững, Cục Chăn nuôi đã tham mưu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo các địa phương ngừng cấp phép xây dựng mới các nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi. Tuy nhiên, trong thời gian vừa qua, tình hình nhập khẩu thức ăn gia súc và nguyên liệu vẫn có chiều hướng tăng.

Vì đâu lại có nghịch lý này, theo các chuyên gia, nguyên nhân là do giá thức ăn chăn nuôi, ngô và đậu tương của các tương của các thị trường chính như Mỹ, Argentina, Ấn Độ… đang ở mức khá thấp mà nguyên liệu trong nước khó có thể cạnh tranh nổi.
 

Thách thức cho nông sản, thực phẩm xuất khẩu sang Mỹ

Từ ngày 30/5/2017, Đạo luật Hiện đại hóa an toàn thực phẩm (FSMA) với rất nhiều tiêu chí ngặt nghèo đã chính thức được thực hiện, khiến cánh cửa cho hàng Việt sang Mỹ ngày càng eo hẹp.

Chia sẻ tại Hội thảo quốc tế “Những yêu cầu mới về tiêu chuẩn để nông sản, thực phẩm Việt hội nhập” tổ chức ngày 23/5, ông Herb Cochran – Cố vấn Phòng Thương mại Mỹ tại Việt Nam (Amcham) chia sẻ, 15% thực phẩm tiêu dùng của Mỹ được nhập khẩu từ hơn 200 quốc gia, vùng lãnh thổ. Số ca ngộ độc thực phẩm tại nước này hàng năm cũng khá lớn khi có tới 48 triệu người Mỹ (chiếm tỷ lệ 1/6 dân số) bị ngộ độc hàng năm, 128.000 người phải nhập viện và 3.000 người chết. Để hạn chế rủi ro với người tiêu dùng, Mỹ đã đưa ra Luật Hiện đại hóa an toàn thực phẩm hoàn toàn mới, trong đó có những yêu cầu bắt buộc để phòng ngừa các nguy cơ từ thực phẩm không an toàn, các tiêu chí sản xuất an toàn bắt buộc để doanh nghiệp (DN) phải tuân thủ.

Thời gian để tuân thủ các quy định mới là ngay bây giờ. Amcham cam kết sẽ hỗ trợ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục xuất khẩu thủy hải sản sang Mỹ, đặc biệt là mặt hàng cá da trơn không bị gián đoạn.

Nguồn: Viện Logistics

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *